Định giá sản phẩm của bạn

Giá sản phẩm sẽ xác định số lợi nhuận bạn kiếm được từ giao dịch bán, nhưng cũng ảnh hưởng tới ý định mua sản phẩm của đối tượng mục tiêu.

Nếu định giá sản phẩm cao, bạn có thể kiếm nhiều lợi nhuận hơn từ mỗi giao dịch bán, nhưng khách hàng có thể sẽ nghĩ rằng sản phẩm của bạn quá đắt và từ chối đặt hàng. Hơn nữa, điều này có thể tạo cơ hội để đối thủ cạnh tranh chào bán với giá thấp hơn và thu hút khách hàng về bên họ.

Nếu định giá sản phẩm thấp, bạn có thể bán được nhiều hàng hơn, nhưng cũng có thể mất bớt lợi nhuận và khách hàng có thể sẽ nghĩ rằng sản phẩm của bạn chất lượng kém, dẫn đến doanh số giảm.

Khi định giá sản phẩm, bạn cần cân bằng giữa việc tạo ra lợi nhuận và đáp ứng kỳ vọng của thị trường mục tiêu về giá cả phải chăng. Xem kỹ các bước sau để xác định cách thiết lập giá sản phẩm hiệu quả. Hãy nhớ giám sát giá thường xuyên và điều chỉnh giá nếu cần để đảm bảo bạn luôn có lợi nhuận.

Bước 1: Xác định chi phí

Trước khi thiết lập giá cho sản phẩm, bạn cần nắm được chi phí để làm ra sản phẩm đó. Chi phí này bao gồm phí vật liệu, nhân công và mọi chi phí khác liên quan đến việc tạo ra sản phẩm. Sau khi đã nắm rõ chi phí, bạn có thể dùng thông tin này để thiết lập một mức giá đã bao gồm chi phí và đảm bảo sẽ có lợi nhuận.

Bước 2: Nghiên cứu thị trường

Khi tìm hiểu xem đối thủ cạnh tranh đang bán sản phẩm tương tự với mức giá nào, bạn sẽ có thể tìm ra khoảng giá chung mà khách hàng sẵn sàng chi tiền. Điều này sẽ giúp bạn nắm được cách định vị sản phẩm trên thị trường. Tìm hiểu cách tiếp thị sản phẩm khi sản phẩm có giá bán cao hơn hoặc thấp hơn khoảng giá trung bình, đồng thời đọc đánh giá sản phẩm để nắm rõ hơn về nhận định của khách hàng đối với cách định giá các sản phẩm đó.

Bước 3: Xác định tuyên bố giá trị

Tuyên bố giá trị là điều khiến sản phẩm của bạn khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Bạn cần hiểu điều gì tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm và tại sao khách hàng nên chọn sản phẩm thay vì các lựa chọn khác. Ví dụ về các yếu tố có thể đẩy giá lên cao là: thiết kế tân thời, chất liệu cao cấp, hoặc cung ứng thương mại công bằng. Ngược lại, giá bán thấp cũng có thể là một tuyên bố giá trị, và nếu bạn bán một sản phẩm có thể được bán với giá thấp hơn so với giá mà đối thủ cạnh tranh đưa ra, hãy thiết lập giá thấp hơn. Sau khi đã tìm hiểu rõ về tuyên bố giá trị, bạn có thể sử dụng thông tin này để thiết lập mức giá phản ánh được giá trị bạn cung cấp.

Ví dụ: Gustav mong muốn bán sản phẩm đồ chơi trẻ em mới. Sau khi điều tra thị trường, Gustav thấy rằng chi phí trung bình để làm ra các sản phẩm tương tự là 5 USD. Khi kiểm tra chi tiết sản phẩm, Gustav nhận ra rằng đối thủ cạnh tranh sử dụng nhựa để làm một số bộ phận chính, trong khi anh sử dụng kim loại để làm tăng độ bền và tuổi thọ của đồ chơi. Gustav quyết định bán sản phẩm của mình với giá cao hơn mức trung bình, đồng thời nhấn mạnh vào chất lượng tốt hơn khi tiếp thị sản phẩm.

Bước 4: Thiết lập giá

Sau khi bạn đã hiểu rõ về chi phí, thị trường và tuyên bố giá trị của mình, bước tiếp theo là thiết lập giá. Bạn có thể sử dụng nhiều chiến lược định giá để giúp bạn tính toán giá bán, bao gồm định giá cộng thêm chi phí, định giá theo giá trị và định giá theo đối thủ cạnh tranh:

  • Định giá cộng thêm chi phí là chiến lược định giá trong đó doanh nghiệp tính toán tổng chi phí để làm ra sản phẩm, sau đó thêm mức tăng giá hoặc biên lợi nhuận để xác định giá bán chính thức. Mức tăng giá thường là một tỷ lệ phần trăm của tổng chi phí và được thêm vào để đảm bảo rằng doanh nghiệp thu được lợi nhuận trên mỗi giao dịch bán. Chiến lược định giá này thường được dùng trong ngành sản xuất và bán lẻ khi chi phí để làm ra sản phẩm tương đối ổn định và dự đoán được.
  • Định giá theo giá trị là chiến lược định giá trong đó doanh nghiệp thiết lập giá sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên giá trị mà doanh nghiệp truyền tải cho khách hàng. Chiến lược định giá này chú trọng vào lợi ích và giá trị mà khách hàng sẽ nhận được từ sản phẩm hoặc dịch vụ thay vì chỉ xét đến chi phí làm ra sản phẩm hoặc dịch vụ. Mục tiêu của chiến lược định giá theo giá trị là nắm bắt giá trị tối đa mà khách hàng sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm hoặc dịch vụ, trong khi doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận. Chiến lược định giá này thường được dùng trong các ngành như phần mềm hoặc hàng xa xỉ khi giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ mang tính chủ quan và khác nhau đối với từng khách hàng.
  • Định giá theo đối thủ cạnh tranh là chiến lược định giá trong đó doanh nghiệp thiết lập giá sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên giá bán của đối thủ cạnh tranh. Chiến lược định giá này bao gồm phân tích giá của sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự do đối thủ cạnh tranh cung cấp và thiết lập giá thấp hơn, bằng hoặc cao hơn giá của đối thủ cạnh tranh. Mục tiêu của chiến lược định giá theo đối thủ cạnh tranh là duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường và thu hút khách hàng bằng cách cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự với mức giá thấp hơn, hoặc cung cấp thêm giá trị với giá cao hơn. Chiến lược định giá này thường được dùng trong các ngành như bán lẻ khi giá sản phẩm có thể được so sánh và hiển thị với khách hàng.

Dù chọn chiến lược nào, hãy đảm bảo áp dụng cách định giá tương tự đối với các sản phẩm tương tự trong cửa hàng để khách hàng nắm được giá của bạn. Chọn chiến lược phù hợp nhất với doanh nghiệp và thiết lập giá theo chiến lược đó.

Bước 5: Theo dõi và điều chỉnh giá

Định giá không phải là quyết định một lần. Hãy thường xuyên theo dõi giá và điều chỉnh giá nếu cần. Điều này bao gồm theo dõi chi phí, đối thủ cạnh tranh và thị trường của bạn. Nếu bạn nhận thấy giá của mình quá cao hoặc quá thấp, hãy điều chỉnh giá để đảm bảo năng lực cạnh tranh và lợi nhuận của bạn.

Bạn đã sẵn sàng bán hàng với Shopify?

Dùng thử miễn phí